Hạ tầng thiếu, ứng dụng thấp
Hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan nhà nước (CQNN) chưa đáp ứng được yêu cầu trao đổi thông tin giữa các cơ quan với nhau và cung cấp thông tin, DV hành chính công cho người dân, doanh nghiệp (DN). Đầu tư cho mạng diện rộng của chính phủ (CP) triển khai chậm, các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống bảo đảm an toàn, bảo mật đang trong quá trình hình thành. Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành, quản lý chưa thực sự hình thành; mức độ, hiệu quả ứng dụng CNTT trong các CQNN còn thấp; các DV hành chính công trên mạng phục vụ người dân và DN vẫn còn đang ở giai đoạn khởi động; nội dung thông tin trên các website không được cập nhật thường xuyên, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cơ bản của người dân và DN.
Bộ máy, cơ chế, chính sách chưa phù hợp
Hệ thống tổ chức chuyên trách CNTT không được tổ chức thống nhất, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ nên hoạt động chưa hiệu quả. Việc đào tạo cán bộ, công chức về ứng dụng CNTT chưa gắn với sử dụng, khai thác các PM ứng dụng và cơ sở dữ liệu, phương pháp, nội dung đào tạo, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất tương đối lạc hậu. Cơ chế quản lý, đầu tư chưa phù hợp, thiếu hạng mục chi cho ứng dụng CNTT trong ngân sách nhà nước, thiếu định mức kinh tế-kỹ thuật cho xây dựng PM, xây dựng cơ sở dữ liệu...
Quan điểm và giải pháp
Theo ông Trần Quang Cường, phó vụ trưởng vụ Khoa Học Công nghệ (KHCN), bộ TTTT, nguyên nhân của thực trạng này là: Các mục tiêu đặt ra chưa bám sát thực tế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, một số cơ chế kinh tế, tài chính, đầu tư không phù hợp với đặc thù của CNTT; không có cơ quan chịu trách nhiệm điều phối; các dự án đều độc lập, thiếu tổ chức phối hợp, không có cơ chế chuyển giao kinh nghiệm; chưa có hệ thống chuẩn và kiến trúc thông tin; trình độ và năng lực của đội ngũ chuyên gia còn hạn chế...
Với sự tham mưu của vụ KHCN, dự thảo “Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2007-2010” (do bộ TTTT soạn thảo) đã đề ra mục tiêu ứng dụng CNTT với 4 nhiệm vụ và 5 giải pháp. Theo ông Trần Quang Cường, để thực thi được các nhiệm vụ này cùng với các giải pháp đã nêu, các bộ, ngành, địa phương phải thống nhất quan điểm: Ứng dụng CNTT hướng tới chính phủ điện tử (CPĐT) là quá trình lâu dài, liên tục và đòi hỏi có sự kết hợp đồng bộ các chương trình, đề án, dự án; ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN phải đi trước một bước, thúc đẩy và gắn liền với quá trình cải cách hành chính. Quá trình ứng dụng cần kế thừa các thành tựu đã đạt được, thường xuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tập trung thực hiện tốt một số dự án trọng điểm, khả thi.